Ngày 22/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên dự Hội thảo hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức, dự hội thảo có đồng chí Vũ Chí Kiên, Phó Vụ trưởng vụ Bưu chính cùng các thành viên Tổ Công tác hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền và các sở, ban, ngành địa phương và Bưu điện tỉnh Hậu Giang tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên nhấn mạnh: trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, tỉnh Hậu Giang xác định nông nghiệp là 1 trong 4 trụ cột để đưa Hậu Giang phát triển, tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn của tỉnh là khoảng 27%, vì vậy việc phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2022 “Hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của Hậu Giang giai đoạn 2021-2023.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên phát biểu tại hội thảo
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng cho rằng đây là nhiệm vụ mới, khó, chưa có tiền lệ khi mà đối tượng hỗ trợ còn hạn chế nhiều về kỹ năng số, đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với địa phương nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội tốt để các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, nhìn lại kết quả hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử trong thời gian qua tại Hậu Giang, cũng như trên cả nước. Hơn thế nữa, đây cũng là dịp để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có điều kiện tìm hiểu, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cũng tại hội thảo, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lã Hoàng Trung thông tin: toàn tỉnh Hậu Giang hiện có hơn 58.000 hộ sản xuất nông nghiệp kích hoạt tài khoản giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, với gần 8.600 đơn hàng thực hiện thành công. Nhiệm vụ trọng tâm của Hậu Giang trong thời gian tới là lựa chọn số lượng nông sản đưa lên sàn, số hộ sản xuất nông nghiệp và số hợp tác xã lên sàn, ưu tiên các doanh nghiệp và hợp tác xã có sản phẩm OCOP, tiềm năng và khả năng cung ứng tốt để tạo niềm tin của người mua hàng đối với các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên các sàn thương mại điện tử…